Liên kết website
Bộ, ngành, chính phủ Trung tâm Y tế Huyện/Thị xã/Thành Phố Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế
|
|
| |
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn dự họp Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tháng 4/2024 Ngày cập nhật 16/04/2024
Sáng 15/4/2024, dưới sự chủ trì của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06 của Chính phủ), Tổ Công tác triển khai Đề án 06 đã tổ chức phiên họp tháng 4/2024.
Toàn cảnh cuộc Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tháng 4/2024
Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và các thành viên Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ ở các Bộ, ngành. Hội nghị được tổ chức từ Hội trường Bộ Công an trực tiếp và trực tuyến đến 7 địa phương Huế, Bình Dương, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, TP Hà Nội, Kiên Giang.
Báo cáo tại cuộc họp nêu rõ, trong tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 01 cuộc họp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong bố trí, sử dụng kinh phí phục vụ triển khai Đề án 06.
Theo đó, Bộ Công an đã phát huy trách nhiệm của cơ quan thường trực đã tham mưu quyết liệt với Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề về kinh phí, sửa đổi Nghị định 73/2019/NĐ-CP và việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản: mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc. Ngoài ra, đã tổng hợp kinh nghiệm chuyển đổi số của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, sử dụng kinh phí trong đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin, 17 mô hình triển khai của TP Hà Nội; 58 câu hỏi khảo sát để gửi các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham khảo, áp dụng tại đơn vị mình.
Trong tháng 4/2024, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả việc thực hiện Đề án 06 và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, TP Hà Nội đã triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID; triển khai sổ sức khỏe điện tử: Tính đến ngày 09/4/2024 đã có 378/673 đơn vị của Hà Nội tương đương với 1.994.045 số hồ sơ tiếp nhận truyền lên hệ thống của Bảo hiểm xã hội để đồng bộ đầy đủ 48 trường thông tin. Theo dự báo chi phí tiết kiệm chi phí mua sổ sức khỏe giấy: 5.000 VNĐ/trường hợp. Với 10.000 trường hợp thăm khám hàng năm tiết kiệm 50 triệu đồng; triển khai kiosk khám sức khỏe tại các Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Đống Đa: với hơn 1.600 lượt tiếp đón qua các kiosk/ 01 ngày. Chi phí tiết kiệm: 01 kiosk thay thuê 1 nhân viên hướng dẫn đón tiếp: 200.000đ/người/ngày và 52,8 triệu đồng /năm.
Ngoài ra, TP Hà Nội cũng triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tĩnh trên địa bàn Thành phố; triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học; đồng thời chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục đẩy mạnh việc trang bị chữ ký số tới 100% giáo viên, nhân viên (đối với các trường tư thục thực hiện đăng ký sử dụng dịch vụ chữ ký số (trả phí) với các nhà cung cấp trên thị trường)...
Về nhiệm vụ phát triển công dân số, đến nay, Bộ Công an đã thu nhận trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; đã thu nhận trên 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử (tăng 680 nghìn tài khoản so với tháng 3/2024), kích hoạt trên 53,88 triệu tài khoản (tăng 630 nghìn tài khoản so với tháng 3/2024; tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 71,68%).
Đối với 08 tiện ích trên VNeID đã công bố vào ngày 25/01/2024 và được người dân hưởng ứng sử dụng, trong tháng 4/2024 đã có 29,45 triệu lượt truy cập vào VNeID (tăng 153.308 lượt so với tháng 3/2024), trong đó, một số tiện ích có người dùng cao, như: dịch vụ công thông báo lưu trú: 222.269 lượt; thông báo, phổ biến chính sách pháp luật mới cho công dân: 82.961 lượt; đăng nhập cổng dịch vụ công SSO: 5,9 triệu lượt; sổ hộ khẩu điện tử: 3,27 triệu lượt...
Đồng thời, đối với 13 tiện ích mới trên VNeID dự kiến công bố cho người dân trong tháng 4/2024: ngày 12/4/2024, Bộ Công an đã mời 46 công dân trải nghiệm thử các tiện ích trên VNeID. Bộ Công an đã tiếp thu kết quả đánh giá của người dân và tiếp tục điều chỉnh để đảm bảo ổn định, chính xác trước khi mở rộng toàn dân sử dụng...
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc – Thứ trưởng Bộ Công an điều hành cuộc họp
Tại cuộc họp, dưới sự điều hành của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, các đại biểu tham luận, tập trung đánh giá chi tiết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Đề án 06 tại đơn vị, địa phương mình. Đồng thời các đại biểu cùng đề xuất những phương hướng để triển khai có hiệu quả Đề án 06 trong thời gian tới như: xây dựng địa chỉ số quốc gia; rà soát, chấn chỉnh việc cấp giấy chứng sinh theo đúng mẫu quy định của Bộ Y tế; nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc cấp, quản lý chữ ký số công cộng; khẩn trương chỉ đạo triển khai phủ sóng viễn thông toàn bộ các điểm lõm; hướng dẫn mô hình, chuẩn hóa dữ liệu khoản thu, thực hiện thanh toán trực tuyến viện phí trên Cổng dịch công Quốc gia; lộ trình cụ thể và phương án khắc phục đối với vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện 02 dịch vụ công liên thông...
Báo cáo tại cuộc họp về “Quy định các nội dung thông tin trong sổ sức khoẻ điện tử”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế đã tổ chức một số cuộc họp để hoàn thiện dự thảo Quyết định ban hành trường thông tin sức khoẻ trên ứng dụng điện tử. Các cơ quan như Sở Y tế TP. Hà Nội, Cục C06 Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều đã cử đại diện tham dự.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn báo cáo tại cuộc họp
Đến nay, Bộ Y tế đã hoàn thiện dự thảo Quyết định ban hành các trường thông tin sức khoẻ cá nhân cơ bản trên ứng dụng sức khoẻ điện tử. Theo Quyết định số 4026/QĐ-BYT, sau khi UBND TP Hà Nội triển khai thí điểm Quyết định số 4026/QĐ-BYT sẽ báo cáo Bộ Y tế tình hình triển khai thí điểm 48 trường thông tin như thế nào, có điều gì hợp lý hoặc chưa hợp lý cần chỉnh sửa, Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan sẽ xem xét, ban hành quy định triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên thời hạn thí điểm đến tháng 6/2024 mới tổng kết thì sẽ muộn nên, thực hiện chỉ đạo của Tổ công tác, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 4026/QĐ-BYT, sau khi nhận được đồng thuận của TP Hà Nội và các cơ quan liên quan, Bộ Y tế ban hành ngay trong tháng 4/2024.
Về “Quy định việc tích hợp thông tin sức khỏe trên ứng dụng VneID”, theo quy định tại khoản 2, Điều 22 Luật căn cước sửa đổi có hiệu lực vào ngày 01/07/2024, Sổ sức khoẻ điện tử VNeID thuộc danh mục giấy tờ do Thủ tướng Chính phủ quy định việc tích hợp vào VNeID, do vậy để có căn cứ triển khai sổ sức khoẻ điện tử VNeID trên phạm vi toàn quốc cần phải có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bộ Y tế cũng đã dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và sẽ xin gửi Bộ Công an (là cơ quan đầu mối triển khai Luật Căn cước) trong ngày 16/4/2024 để Bộ Công an xem xét, trình Thủ tướng quyết định. Bộ Công an đang dự thảo Nghị định trình Thủ tướng về việc làm giàu cơ sở dữ liệu, tích hợp thông tin lên ứng dụng VNeID. Như vậy Bộ Công an có thể bổ sung nội dung trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào dự thảo Nghị định hoặc ban hành thành Quyết định riêng để có căn cứ tích hợp thông tin sức khoẻ trên ứng dụng VNeID.
Về việc thí điểm các cơ sở khám, chữa bệnh chưa ký hơp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gửi dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã có Công văn số 1335/BYT-KCB ngày 21/3/2024 trả lời UBND TP Hà Nội và BHXH Việt Nam về việc thí điểm các cơ sở khám, chữa bệnh chưa ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gửi dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế. Theo Điều 112, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đến ngày 01/01/2027 là thời hạn cuối để các cơ sở khám chữa bệnh triển khai hệ thống thông tin; như vậy chưa có căn cứ pháp lý bắt buộc các cơ sở khám chữa bệnh chưa ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gửi dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT trước thời hạn Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định (ngày 01/01/2027) .
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép thí điểm các cơ sở khám, chữa bệnh chưa ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gửi dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế. Giai đoạn trước mắt sẽ khuyến khích các cơ sở khám bệnh chữa bệnh ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, và tiếp theo sẽ khuyến khích các cơ sở khám bệnh chữa bệnh gửi dữ liệu lên Cổng tiếp nhận của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Vấn đề một số bệnh viện vẫn thực hiện cấp giấy chứng sinh theo mẫu cũ trong quá trình thực hiện 2 dịch vụ công liên thông. Hiện tại việc cấp và sử dụng giấy chứng sinh tại tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ đỡ đẻ trên toàn quốc đã và đang triển khai theo mẫu quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 đối với trường hợp trẻ sinh ra tự nhiên (Mẫu 05) và Thông tư số 34/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 đối với trường hợp trẻ sinh ra do kỹ thuật mang thai hộ.
- Tháng 01/2024, Bộ Y tế đã đưa vào kế hoạch xây dựng VBQPPL Thông tư mới quy định cấp, sử dụng và liên thông giấy chứng sinh (để bổ sung thay thế các Thông tư quy định cấp và sử dụng giấy chứng sinh cũ), dự kiến ban hành trong Quý IV/2024.
- Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1905/BYT-BMTE ngày 12/4/2024 gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có cung cấp dịch vụ đỡ đẻ, các Bệnh viện/Trung tâm y tế ngành đôn đốc thực hiện, báo cáo việc triển khai cấp và liên thông giấy chứng sinh theo quy định.
- Bộ Y tế đã có công văn số 937/BYT-BMTE ngày 04/3/2024 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ, các cơ sở y tế Bộ, ngành, cơ sở y tế tư nhân có cung cấp dịch vụ đỡ đẻ - yêu cầu báo cáo thực trạng triển khai thực hiện cấp, sử dụng giấy chứng sinh, liên thông giấy chứng sinh của các tỉnh, thành phố, cơ sở y tế; đồng thời yêu cầu rà soát, chấn chỉnh việc cấp giấy chứng sinh theo đúng mẫu quy định của Bộ Y tế.
- Hầu hết các vướng mắc, khó khăn về liên thông giấy chứng sinh hiện tại (nếu có) là những khó khăn, vướng mắc về phần mềm, cơ sở dữ liệu hoặc chưa có tài khoản liên thông với Cổng giám định bảo hiểm xã hội.
Về việc thực hiện thanh toán trực tuyến viện phí trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Bộ Y tế đã tham dự 02 cuộc họp do Văn phòng Chính phủ tổ chức. Trong các cuộc họp Bộ Y tế đã có ý kiến và có quan điểm nhất quán rõ ràng. Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện trên toàn quốc triển khai chương trình nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh hơn 10 năm nay, từ năm 2013 với quan điểm chủ đạo là “lấy người bệnh làm trung tâm, lấy nhân viên y tế làm then chốt”. Do vậy mọi chính sách đều nhằm mang lại sự tiện lợi, chất lượng tối đa cho người bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh. Các hình thức thanh toán viện phí phải đảm bảo tính thuận tiện cho người bệnh và nhân viên y tế. Bộ Y tế đã có Công văn số 1729/BYT-KCB ngày 05/4/2024 đề nghị chỉnh sửa tên nhiệm vụ “thực hiện thanh toán trực tuyến chi phí khám, chữa bệnh trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia” bằng nhiệm vụ “thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt dưới mọi hình thức, trong đó có hình thức thanh toán trên Cổng dịch vụ công Quốc gia”. Việc này vừa bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ về việc thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời hạn chế các rủi ro có thể xảy ra về “sập, nghẽn mạng” do số lượng thanh toán rất lớn tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước. Đặc biệt quan trọng nhất thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ là “lấy người dân làm trung tâm”.
Để thực hiện được nhiệm vụ “Hướng dẫn mô hình, chuẩn hóa dữ liệu, khoản thu thực hiện thanh toán trực tuyến viện phí trên Cổng dịch vụ công Quốc gia”, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 610/QĐ-BYT ngày 14/3/2024 về việc ban hành biểu mẫu nộp tiền khám chữa bệnh trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Để thanh toán được trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đầu mối là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để ban hành các hướng dẫn chi tiết hơn cho các cơ sở khám bệnh chữa bệnh thực hiện.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao sự quyết tâm vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện Đề án 06 trong thời gian qua.
Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu kết luận
Chỉ ra những nhiệm vụ chậm muộn, thậm chí là những nhiệm vụ từ năm 2023 đến nay vẫn chưa hoàn thành, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Tài Chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết vấn đề “điểm nghẽn” về kinh phí, đây là vấn đề quan trọng có tính chất quyết định để hoàn thành các nhiệm vụ Đề án 06. Đối với vấn đề pháp lý, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì với Bộ Công an, Bộ Tư pháp khẩn trương xây dựng các Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Giao dịch điện tử năm 2023, bảo đảm thống nhất triển khai thực hiện.
Đối với các dịch vụ công, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các Bộ, ngành bám sát vào các danh mục 28 nhóm dịch vụ công trực tuyến ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2024; các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp bộ, cấp tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư về đăng ký doanh nghiệp.
Tiếp tục hoàn thiện các điều kiện để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về 02 dịch vụ công liên thông theo trình tự, thủ tục rút gọn. Các Bộ, ngành (Tư pháp, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) phối hợp Bộ Công an để xây dựng, hoàn thiện phần mềm dịch vụ công liên thông trước ngày 15/6/2024 để 02 nhóm TTHC liên thông này được tiếp nhận, giải quyết theo quy định của nghị định.
Các địa phương không tạo tài khoản khác VNeID để thực hiện dịch vụ công trực tuyến; phối hợp với Bộ Công an làm sạch tài khoản còn lại trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và thống nhất từ ngày 01/7/2024 chỉ sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông các dữ liệu điện tử, tái sử dụng dữ liệu để cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Để phục vụ triển khai cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công an khai thác Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo cuộc tổng điều tra được tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí về nguồn lực, giảm chi phí đầu tư, thuận lợi cho người dân.
Về triển khai giải pháp định danh tàu, thuyền, bám sát Nghị quyết số 44/NQ-CP, ngày 05/4/2024 của Chính phủ, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ban hành Kế hoạch triển khai định danh tàu thuyền trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Trước mắt, chuyển dữ liệu về đăng ký tàu biển Việt Nam và nghề cá quốc gia để kết nối, đồng bộ, làm sạch với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hoàn thành trước 30/5/2024.
Để triển khai sổ sức khỏe điện tử trên VneID, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Bộ Y tế trong quá trình xây dựng Nghị định quy định quản lý dữ liệu y tế, bổ sung rõ quy định các nội dung thông tin trong sổ sức khỏe điện tử, trình Chính phủ quy định tích hợp thông tin sức khỏe trên VNeID. Khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về việc thí điểm các cơ sở khám chữa bệnh chưa ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gửi dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế trong tháng 4/2024.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị trước ngày 20/4/2024, các Bộ, cơ quan (Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) khẩn trương tham gia ý kiến, xây dựng lộ trình cụ thể để số hóa, tạo lập dữ liệu và phương án đồng bộ dữ liệu về Trung tâm Dữ liệu quốc gia, nghiên cứu sửa đổi Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 3.0 để quy định nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu Quốc gia là nền tảng trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của các Bộ, ban, ngành, địa phương đặt tại trung tâm dữ liệu quốc gia…
Nguồn: Bộ Y tế Sưu tầm: CN Phạm Hữu Rin Các tin khác
|
|
Thống kê truy cập Truy cập tổng: 1.487.797 Truy cập hiện tại: 35
|