Tìm kiếm tin tức
danh mục
bottom
Thông tin cần biết
TTCB

Hội thảo góp ý Đề án Tăng cường tư vấn và cung ứng dịch vụ dân số, KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên đến năm 2030
Ngày cập nhật 24/03/2022

Để hoàn thiện dự thảo Đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sáng ngày 22 tháng 3 năm 2022, Tổng cục Dân số-KHHGĐ tổ chức Hội thảo góp ý Đề án Tăng cường tư vấn và cung ứng dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên đến năm 2030 nhằm xin ý kiến các cơ quan, đơn vị và các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, giáo dục về Đề án nêu trên theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại điểm cầu kết nối trực tuyến của tỉnh Thừa Thiên Huế, được sự ủy quyền của Sở Y tế, ThsBS CKII Phan Đăng Tâm- Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cùng các Trưởng, phó phòng và chuyên viên Phòng Truyền thông- Dân số của Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh đã tham dự Hội thảo.

   Theo báo cáo của Tổng cục Dân số-KHHGĐ, Việt Nam đã khống chế được gia tăng nhanh quy mô dân số, trong đó có nhóm tuổi VTN/TN làm giảm sức ép về lao động việc làm, phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Thể chất, trình độ giáo dục VTN/TN ngày càng được cải thiện, tiếp cận thông tin ngày càng đa dạng. Tỷ lệ sử dụng BPTT cao, tình trạng có thai ngoài ý muốn có xu hướng giảm. Mạng lưới tư vấn và cung cấp dịch vụ KHHGĐ ngày càng đa dạng.  Việc huy động nguồn lực và xã hội hóa dịch vụ DS, KHHGĐ ngày càng được chú trọng và lan tỏa toàn xã hội. Tình trạng sinh con trong nhóm nữ từ 15-19 tuổi năm 2017 đã giảm gần 1/3 so với năm 2011. Nhu cầu chưa được đáp ứng về các BPTT ở nhóm nữ từ 15-24 tuổi đã giảm từ 35% (2011) xuống còn 29,6% (2017)

   Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định về tư vấn và cung ứng dịch vụ dân số, KHHGĐ cho VTN/TN nhưng vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Chương trình giáo dục về dân số và sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường chưa đầy đủ và phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới; tiếp cận thông tin, cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng thực hành về dân số, sức khỏe sinh sản còn hạn chế; việc cung cấp dịch vụ thân thiện về dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của VTN/TN.Tình trạng phá thai hoặc sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục… của VTN/TN vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

   Đề án đã đặt ra mục tiêu tổng quát là Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng và có chất lượng về dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình của vị thành niên/thanh niên, góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn, phòng tránh vô sinh, cải thiện sức khỏe của vị thành niên/thanh niên nhằm thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với các nhiệm vụ và hoạt động chủ yếu như: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền và huy động sự tham gia ban ngành, đoàn thể chăm lo cho VTN/TN; Tăng cường cung cấp kiến thức, kỹ năng về DS, KHHGĐ; định hình giá trị mỗi gia đình nên có hai con vì lợi ích gia đình và tương lai bền vững của đất nước cho VTN/TN; Phổ cập dịch vụ DS, KHHGĐ nhằm giảm mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai của nhóm VTN/TN và sinh con ở tuổi chưa thành niên; Đẩy mạnh xã hội hóa tư vấn và cung cấp dịch vụ DS, KHHGĐ cho VTN/TN; Đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; Huy động nguồn lực .

   Hội thảo đã được sự tham gia góp ý của các cơ quan Trung ương như Trung ưng Đoàn TNCSHCM, Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em.,.. và đại diện Sở Y tế, Chi cục Dân số-KHHGĐ các các địa phương trên toàn quốc.

 Một số tồn tại, hạn chế của chăm sóc SKSS Vị thành niên, thanh niên

  Nhu cầu của VTN/TN ngày càng lớn và đa dạng, nhưng tư vấn và cung cấp dịch vụ DS, KHHGĐ chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới

   Việc tiếp cận các dịch vụ cung cấp các BPTT hiện đại dễ dàng, nhu cầu chưa được đáp ứng về các PTTT hiện đại của thanh thiếu niên vẫn cao. Rào cản của việc tiếp cận các BPTT hiện đại, như bao cao su, không còn là chi phí mà là việc thanh thiếu niên cảm thấy xấu hổ khi đi mua bao cao su. Nhu cầu sử dụng BPTT hiện đại chưa được đáp ứng của nữ VTN/TN nhóm từ 15- 24 tuổi là 29,6%, trong đó nhóm tuổi này của dân tộc Kinh (34,3%) gấp 2 lần nhóm dân tộc thiểu số (18,5%); nhóm chưa từng kết hôn (48,4%) cao gấp 2 lần nhóm đã từng kết hôn (24,3%).

   Tình trạng có thai ngoài ý muốn, phá thai và nhu cầu chưa được đáp ứng của VTN/TN còn cao

   Ước tính hàng năm, toàn cầu có ít nhất 777.000 bé gái dưới 15 tuổi sinh con và con số này ở hầu hết các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Hàng năm có ít nhất 10 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở nữ vị thành niên trong độ tuổi 15-19 tại các quốc gia đang phát triển.

   Theo báo cáo đánh giá chất lượng dịch vụ KHHGĐ tại Việt Nam cho thấy 7,4% các trường hợp đang sử dụng BPTT nhưng vẫn mang thai ngoài ý muốn. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã từng mang thai ngoài ý muốn là 9,1%. Trong số những người này, 24,4% đã từng mang thai ngoài ý muốn nhiều hơn 1 lần và điều này có thể liên quan tới chất lượng của các dịch vụ KHHGĐ. Tỷ lệ thất bại đối với BPTT truyền thống cao hơn so với các BPTT hiện đại.

   Tổng tỷ suất phá thai (TAR) ở Việt Nam hiện nay là 0,42. Khoảng 17,4% phụ nữ đã từng phá thai trong cuộc đời của mình, trong đó tỷ lệ ở thành thị là 19,6% và ở nông thôn là 16,5%.  Trong tổng số nữ trong độ tuổi 15-24, có 18/1.000 người đã từng phá thai (chiếm 9,2% trong tổng số những người đã từng có thai).

   Việt Nam là một trong các quốc gia tỷ lệ vô sinh cao (khoảng 7,7%), có khoảng 700 ngàn đến 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%.

   Truyền thông, giáo dục về DS, KHHGĐ còn nhiều hạn chế

   Hai môi trường quan trọng đầu tiên của thanh thiếu niên là gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, giáo viên và phụ huynh hiện không được thanh thiếu niên coi là nguồn cung cấp thông tin về DS, KHHGĐ chủ yếu cho họ. Cán bộ y tế học đường có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin và dịch vụ về DS, KHHGĐ và chuyển các trường hợp phức tạp lên tuyến trên. Tuy nhiên, họ vẫn chưa được coi là các nhân tố chính trong các chương trình giáo dục giới tính.

   Do ngày càng có nhiều thanh thiếu niên sử dụng Internet, truyền hình và tin nhắn trên điện thoại di động để tiếp cận thông tin, nhưng truyền thông giáo dục chưa khai thác được hiệu quả của truyền thông hiện đại. 

 

.

 

Lê Đức Hy, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá website của bệnh viện chúng tôi như thế nào?
Bản đồ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng: 1.487.837
Truy cập hiện tại: 37

Chung nhan Tin Nhiem Mang